Nhân vật chính của phim là một vũ công trẻ tên Nina Sayers (Portman). Cô hoàn toàn phù hợp để diễn vai Thiên nga trắng, trong khi đó một vũ công khác là Lily (Kunis) lại có những nét cá tính hợp với vai Thiên nga đen. Khi hai cô gái tranh đua cho vai diễn này, Nina đã bộc lộ ra phần tăm tối trong chính con người mình và bị nó làm chủ. Quá trình này đã được đạo diễn Aronofsky thể hiện bằng các trạng thái tâm lý thất thường của Nina và các tình tiết ảo giác đầy ghê rợn xảy đến với cô. Điều này không khỏi khiến cho nhiều khán giả cảm thấy băn khoăn khó hiểu. Nhưng nếu ta thử xem xét diễn biến tâm lý của Nina, cùng các mối quan hệ của cô (với mẹ, với bạn diễn Lily và với nhân vật Nữ hoàng thiên nga) bằng lăng kính của các nhà tâm lý học, thì có lẽ ta sẽ thấy câu chuyện trở nên mạch lạc và dễ hiểu hơn.
Nina với bà mẹ Erica: Ám ảnh về sự hoàn hảo
Theo những nghiên cứu tâm lý của học thuyết gắn bó (attachment theory) thì mối quan hệ mẹ con và ký ức thời thơ ấu ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển nhân cách của trẻ em. Vậy nên đầu tiên, hãy xem xét mối quan hệ giữa Nina và mẹ cô, bà Erica. Trước đây, bà từng là vũ công nhưng bà đã kết thúc sự nghiệp của mình ở tuổi 28 khi có thai Nina. Qua một cuộc nói chuyện với Nina đoạn giữa phim, Erica đã hé lộ rằng khi còn là vũ công, bà đã bị một tay đạo diễn sở khanh lợi dụng. Vết thương tinh thần từ sự việc đó hẳn đã khiến bà trở nên ác cảm với đàn ông và quyết định sống một mình để nuôi con. Đối với những người đàn bà độc thân, toàn bộ mối quan tâm và tình yêu thương của họ là để dành cho đứa con (Daco, 2007), và Erica cũng không phải là ngoại lệ. Bà quan tâm, săn sóc cho Nina như một đứa trẻ: cắt móng tay cho cô; mua bánh ga-tô chúc mừng khi cô được chọn làm vũ công chính; không cho cô đi chơi đêm với Lily… Dường như chính sự chăm sóc quá mức cần thiết và cách nuôi dạy nghiêm khắc mà Erica dành cho Nina đã góp phần hình thành nên sự mỏng manh và yếu đuối của cô.
Nina luôn ám ảnh về sự hoàn hảo và khát khao có được vai diễn chính trong vở ba-lê Hồ thiên nga. Có lẽ đây là hệ quả từ sự khắt khe của Erica với việc học múa của Nina từ khi cô còn nhỏ, bởi bà muốn con gái mình sẽ đạt được những thành công trong sự nghiệp vũ công mà bà đã không có được. Đây có lẽ là tâm lý chung của các ông bố bà mẹ bất đắc chí trong sự nghiệp. Họ áp đặt mong muốn của mình lên con cái, với hy vọng rằng thành công của chúng sẽ phần nào bù đắp, khỏa lấp nỗi thất vọng của họ về cuộc đời mình.
Nina với bạn diễn Lily: Ẩn ức tình dục
Tiếp theo, hãy xem xét mối quan hệ giữa Nina và Lily, vũ công cạnh tranh vai diễn chính với cô. Sự đối lập giữa hai người dường như đã được thể hiện từ ngay hai cái tên, sau đó là tính cách. Nếu như Nina trong sáng và yếu đuối thì Lily quyến rũ và tự tin. Nina luôn nỗ lực và mong mỏi đạt được vai diễn chính, còn Lily thì sống vô tư, phóng túng và không có quá nhiều tham vọng.
Nina luôn cảm thấy ghen tị và ganh đua với Lily bởi cô ta luôn được đạo diễn ưu ái nhờ sức hút quyến rũ của mình – điều mà Nina luôn khát khao nhưng chưa bao giờ thể hiện ra được. Thực ra, có một điều sâu sắc mà Nina cũng như rất nhiều người không biết, đó là những nét cá tính, phẩm chất ta ngưỡng mộ nhất nơi người khác lại chính là thứ vốn đã sẵn có trong con người ta, chỉ có điều ta biết biết tới, chưa thừa nhận nó hay nó chưa có dịp được bộc lộ ra mà thôi.
Với Nina, lần đầu tiên cô khám phá cơ thể và bản năng tính dục của mình là khi cô tự thủ dâm theo lời khuyên của đạo diễn Thomas (Cassel). Sau đó, lần thứ hai là được chính anh chàng này kích thích ham muốn ngay trên sàn tập. Nhưng năng lượng tính dục (sexual energy) trong Nina chỉ thực sự được dâng trào khi cô quan hệ tình dục trong ảo giác với Lily. Người xem có thể bất ngờ với xu hướng tình dục của cô. Nhưng nếu để ý đến hành vi và yếu tố gia đình của Nina, ta sẽ thấy điều này có thể hiểu được. Từ việc cô cắn môi Thomas khi anh này bất ngờ hôn cô, đến việc cô nói rằng chưa bao giờ có bạn trai và quan hệ tình dục, hay việc cô không sẵn sàng tiến tới ân ái với anh bạn trai mới quen sau khi hôn anh ta ở bên ngoài vũ trường mà bỏ về nhà ngay sau đó. Những chi tiết này khiến ta một lần nữa phải đặt câu hỏi nghi vấn về sự ảnh hưởng của bà Erica tới Nina, bởi rõ ràng Nina không thuộc dạng đồng tính sinh lý, tức hiện tượng phụ nữ có tính cách gần như nam giới – cứng cỏi, mạnh mẽ; cắt tóc ngắn; giọng ồm ồm;… (Daco, 2008). Phải chăng mối ác cảm dành cho đàn ông của mẹ cô dường như đã ngấm ngầm ảnh hưởng đến cô từ nhỏ? Để rồi khi trưởng thành, từ trong vô thức, cô đã cảm thấy không thể tin tưởng với đàn ông. Và khi không thể tiến đến với người đàn ông, thì theo các nhà tâm lý, người phụ nữ sẽ đi tìm sự nương tựa ở… người phụ nữ khác.
Tuy nhiên, có lẽ dưới áp lực xã hội, Nina chưa bao giờ dám thể hiện ra mình là người đồng tính. Chỉ đến khi cô uống viên thuốc lắc (ecstasy) mà Lily dụ dỗ, ẩn ức tình dục này mới lộ diện. Thường thì thuốc lắc khiến cho người ta trở nên hưng phấn, xã giao, hòa đồng hơn và dễ làm tình hơn. Theo các nhà nghiên cứu về khoa học thần kinh, thì đó là do thuốc lắc đã làm tăng hoạt động trao đổi serotonin, norepinehrine và dopamine tại các khớp nối thần kinh (synapses) (McKim, 2007). Đồng thời nó làm suy yếu khả năng tự kiểm soát (self-control), tạo cơ hội cho cái ham muốn vốn bị ức chế từ đáy sâu vô thức được trồi lên lộ diện. Nó cũng tạo ảo giác như thật giúp người phê thuốc thỏa mãn mọi khát khao của mình. Nhờ đó, tác dụng của viên thuốc lắc đã trở thành yếu tố hỗ trợ hoàn hảo để Nina khơi dậy năng lượng tính dục trong mình.
Nina với “Thiên nga đen”: Đối diện mặt tối/bóng âm của chính mình
Đi cùng với sự trỗi dậy của dục tính là những ảo giác ngày càng ám ảnh dữ dội xảy ra với Nina: chảy máu móng tay nhiều hơn, các ngón chân dính liền vào nhau, từ vết xước ở lưng mọc ra đôi cánh của thiên nga đen, đè nát bàn tay bà mẹ qua cánh cửa một cách tàn ác… và lên đến đỉnh điểm là vật lộn với Lily, rồi chộp lấy một mảnh gương vỡ, đâm vào bụng cô ta, để rồi sau đó nhận ra là đã đâm vào chính bụng của mình. Khán giả có thể phỏng đoán rằng đó là hiện tượng vong nhập, một bóng ma ác quỷ nào đó đã chiếm lấy thân thể cô để làm tất cả những việc kinh khủng và độc ác đó. Nhưng nếu một nhà tâm thần (psychiatrist) xem bộ phim này, thì với tất cả những triệu chứng ảo giác trên, có lẽ ông ta sẽ chẩn đoán Nina bị bệnh tâm thần phân biệt (schizophrenia).
Còn dưới cái nhìn của nhà tâm lý trị liệu theo học thuyết của Carl Jung (Jungian psychotherapist), thì có lẽ ông ta sẽ cho rằng tất cả những tình tiết đó đều mang tính ẩn dụ tượng trưng, ám chỉ cho sự chi phối nhân cách của mặt tối, hay bóng âm (shadow), tức phần năng lượng bị dồn nén, ức chế, lẩn khuất trong “căn hầm” vô thức của mỗi người. Sở dĩ mặt tối hay bóng âm có thể trở nên nguy hiểm bởi vì nó luôn bị cái tôi ý thức kiểm duyệt, phán xét. Nó chưa bao giờ được công nhận và chấp nhận cả. Vì vậy, nó phải tìm cách “phát tác” ra bằng cách tạo ra những ảo ảnh, hay phóng chiếu lên người khác. Và đó chính là những gì đã xảy ra Nina. Nhưng chỉ khi trải qua những chuyện như thế, Nina mới hiểu mình hơn. Đầu tiên, cô nhận ra mình có thể khát khao tình dục ra sao. Sau đó, cô nhận ra mình có thể ghen tị, hận thù, hành xử độc ác đến chừng nào. Bạn dọc có thể thắc mắc: Tại sao khi nhìn thấy máu rỉ ra từ bụng dưới của mình trong màn diễn cuối cùng của vở ba-lê, Nina lại mỉm cười mãn nguyện? Cái chết dường như đã đến rất gần, nhưng điều đó không hề khiến cô lo lắng, sợ hãi. Cô đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình, đã chạm tới sự hoàn hảo. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc cô đã thực sự trưởng thành. Cô đã nhận thức sâu sắc được rằng: hóa ra trong mình không chỉ có thiên nga trắng, mà còn có cả thiên nga đen!Đọc thêm: Khái niệm Bóng âm của Carl Jung http://bit.ly/bongamshahow
LỜI MỜI GỌI: Đó là câu chuyện của Nina. Còn bạn đọc thì sao? Bạn có sẵn sàng bước vào hành trình đối diện với mặt tối/bóng âm của mình để sau đó được chuyển hóa, được trưởng thành hơn? Nếu có, thì hãy liên lạc với chúng tôi qua inbox.
Ngày: 16/3/2019 - đăng bởi: PhuongDT