BÀI HỌC TỪ HOẢNG TỬ ĂN MÀY

BÀI HỌC TỪ HOẢNG TỬ ĂN MÀY
Có một câu chuyện ngụ ngôn thế này, một vị vua thông thái muốn con trai mình – đứa con độc nhất, người sẽ kế vị ngài – trở thành một nhà thông thái trước khi lên ngôi và trở thành hoàng đế của vương quốc rộng lớn. Vị vua nọ bèn chọn một cách rất lạ lùng: ông đày hoàng tử đi rất xa ra khỏi đất nước, và bảo con trai mình rằng ông từ bỏ nó, rằng nó phải quên đi việc nó đã là một hoàng tử – “Nó không còn là hoàng tử nữa và ta sẽ không chọn nó làm người kế vị.”
 
Hoàng tử bị tước đi toàn bộ trang phục lộng lẫy, trang sức quý báu – tất cả mọi thứ. Rồi người ta cho anh bộ quần áo của một người ăn mày và đưa anh ra khỏi vương quốc. Nhà vua còn đưa ra những mệnh lệnh nghiêm ngặt, cấm anh quay lại đất nước của mình.
 
Năm tháng trôi qua, chàng hoàng tử đã thực sự trở thành người ăn mày. Anh đã quên rằng mình là hoàng tử. Anh ăn xin quần áo, thức ăn, chỗ trọ, và dần dà chấp nhận tình trạng của mình.
 
Nhiều năm sau, một ngày nọ, anh đang ngồi trước cửa một nhà trọ và xin ăn. Đó là một ngày mùa hè oi ả và anh đang cầu xin người ta cho anh đủ tiền để mua một đôi giày – tất nhiên chỉ là một đôi giày cũ – vì mặt đất lúc này nóng như lửa và anh không thể đi chân đất. Bàn chân anh phồng rộp, và anh đang kêu gào cầu khẩn để có được vài xu. Đúng lúc đó, một cỗ xe vàng dừng lại trước nhà trọ, và một người đàn ông bước xuống. Người đó nói: “Cha người đang triệu người về. Ngài già lắm rồi, đang hấp hối, và cần người kế vị.”
 
Chỉ trong chớp mắt người ăn mày biến mất. Con người đó đã hoàn toàn khác; người ta có thể nhìn thấy điều đó trên gương mặt anh, trong đôi mắt anh. Vẫn mặc trên người bộ quần áo của kẻ ăn mày, nhưng anh đã hoàn toàn khác. Đám đông xúm lại – vẫn là những người mà mới đây anh phải ngửa tay xin họ từng xu – và lúc này tất cả bọn họ đều bắt đầu tỏ ra hết sức thân thiện. Nhưng anh không để ý đến họ. Anh bước lên cỗ xe, ngồi xuống ghế và bảo người đàn ông đến đón anh: “Trước tiên hãy đưa ta đến một nơi sạch sẽ để ta tắm gội, lấy trang phục và trang sức xứng với ta, vì ta chỉ có thể đứng trước mặt đức vua với tư cách là một hoàng tử.”
 
Anh trở về với tư cách là một hoàng tử. Anh nói với vua cha rằng: “Con chỉ muốn biết một điều: Tại sao bao năm qua con lại phải làm một kẻ ăn mày? Con thực sự quên rồi… Nếu phụ vương không triệu con về, hẳn con đã mãi mãi làm một kẻ ăn xin, không bao giờ nhớ được rằng mình từng là một vị hoàng tử”.
 
Vị vua đáp rằng: “Đó chính là điều mà cha ta đã làm đối với ta. Việc đó không phải để hại con, mà để đem lại cho con trải nghiệm về những đối cực của cuộc đời – một kẻ ăn mày và một vị vua. Và chính ở giữa hai đối cực này mà con người ta tồn tại”.
 
Ngày đó ta bảo con quên đi mình là hoàng tử; giờ ta muốn con nhớ rằng là hoàng tử hay kẻ ăn mày đều chỉ là những tên gọi mà người khác gán cho con. Đó không phải là thực tại của con, không phải là con – con không phải là một ông vua, cũng không phải là tên ăn mày. Và thời khắc con hiểu được rằng con không phải là những gì mà thế giới này nghĩ về con, con không phải là người con đang là, con chính là con người tiềm ẩn sâu thẳm trong con mà ngoài con ra, không ai khác có thể nhìn thấy được, đó là lúc con trở thành người thông thái. Hiểu được như vậy là con đã có sự thông thái rồi đó.
 
Ta đã rất giận cha ta và ta cũng biết hẳn con cũng rất giận ta. Nhưng hãy tha thứ cho ta, ta cần phải làm vậy để con hiểu được rằng: đừng coi mình là ông vua, đừng coi mình là kẻ ăn mày, bởi chỉ trong chớp mắt những danh hiệu đó có thể bị thay đổi. Mà những thứ có thể thay đổi như vậy thì không phải là con. Con là vĩnh hằng, bất biến.
 
OSHO – Lý luận đà điểu
 
Đừng coi mình là ông vua, đừng coi mình là kẻ ăn mày, bởi chỉ trong chớp mắt những danh hiệu đó có thể bị thay đổi. Mà những thứ có thể thay đổi như vậy thì không phải là con. Con là vĩnh hằng, bất biến.

 

Ngày: 31/5/2021 - đăng bởi: QuangPN
QuangPN 05/31/2021 05:59:31 PM

Tag: #Câu chuyện



:

----------------